GIÁ TRỊ KINH TẾ CỦA CÂY TRÚC ĐẠI (TRE MOSO)
Trúc Moso thuộc nhóm trúc mọc tản, có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại tre trúc. Thân cây trúc Moso là nguyên liệu rất tốt cho sản xuất chiếu trúc, đồ thủ công mỹ nghệ. Măng trúc ăn giòn, ngon, là thực phẩm cao cấp được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, cây trúc Moso còn được được trồng làm cảnh cho các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng...mang lại cảnh quan đẹp, không khí thoáng mát, trong lành.
Công dụng và hiệu quả của cây Trúc Đại (tre Moso)
Cây trúc Moso thường cao 10 - 15m, đường kính từ 8 - 15cm, vách thân dày 1 - 1,5cm, lóng dài 20 - 40cm. Thân trúc Moso rất thẳng và tròn đều kể cả điểm nối với mấu cành, duy nhất có một vòng gờ nổi sát dưới bẹ mo, nhưng cũng rất dễ tiện phẳng, dùng máy bóc có thể bóc được một lớp ván cật trải rộng 30 - 50cm. Đây là ván dán mặt rất cao cấp, dùng làm bề mặt ván sàn, màu trắng ngà, vân thớ đẹp, chịu mài mòn tốt. Phần ruột và ngọn còn lại làm nguyên liệu để sản xuất giấy. Trúc Moso là nguyên liệu tốt nhất cho sản xuất chiếu trúc (bao gồm cả chiếu đan và chiếu quân cờ), cũng là nguyên liệu rất tốt cho sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ, đồ chơi ...
CHIẾU TRÚC
Măng trúc Moso ăn rất ngon, sản lượng cao, lại có một vụ giữa mùa đông nên giá rất cao. Măng trúc Moso dễ chế biến thành nhiều sản phẩm cao cấp khác nhau, hiện đang là sản phẩm xuất khẩu quan trọng của nhiều nước. Măng trúc Moso rất mập, trọng lượng bình quân từ 1,5 - 2,5 kg/cái, khi chưa lộ khỏi mặt đất thường có màu vàng nhạt, lúc này măng ăn rất ngon, sau khi lộ khỏi mặt đất măng chuyển màu vàng nâu và càng ngày càng kém ngon. Thịt măng màu trắng, phần ăn được chiếm 54,6%, măng tươi có thể bảo quản trong nhiệt độ phòng khoảng 10 - 15 ngày, nhưng khi làm đồ hộp thường phải chế biến ngay sau khi thu hoạch càng nhanh càng tốt.
MĂNG TRÚC MOSO
Rừng trúc Moso thâm canh lấy măng có thể cho sản lượng bình quân hàng năm từ 15 - 22,5 tấn/ha. Trong rừng trúc Moso tỷ lệ măng điếc có thể lên tới 60 - 70%, chủ yếu là do dinh dưỡng hữu cơ không đủ cung cấp. Nếu không khai thác tận dụng kịp thời, măng điếc tranh giành dinh dưỡng ảnh hưởng đến cây còn lại. Nếu cung cấp đủ dinh dưỡng, tối ưu hoá mật độ và cấu trúc tuổi cây thì sản lượng măng có thể nâng cao gấp 2 - 3 lần.
Mật độ tối ưu duy trì trong rừng trúc Moso từ 2500 - 2700cây/ha, trong đó cây tuổi 1 - 2 chiếm 30%, cây tuổi 3 - 4 chiếm 37%, cây tuổi 5 - 6 chiếm 30%, cây tuổi 7 - 8 chiếm 3%. Đến tuổi 7 chất lượng công nghệ trúc Moso đạt mức cao nhất và cây cũng không còn vai trò nuôi dưỡng đối với các thế hệ sau, đây được coi là tuổi khai thác hợp lý nhất đối với cây trúc Moso. Có thể ước tính một cách khiêm tốn sản lượng thân khí sinh hàng năm khoảng trên 10 tấn/ha với giá 2000đ/kg thu được 20 triệu, sản lượng măng 15 tấn/ha, giá 15000đ/kg thu 225 triệu. Tổng thu 1 năm không dưới 245 triệu và được thu hoạch nhiều năm về sau. Đây thực sự là một con số hấp dẫn và thực tế đối với nhiều vùng núi cao.
Hiện nay, cây Trúc đại Moso còn được được dùng trồng làm cảnh cho các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, Resost mang lại cảnh quan đẹp, gần gũi với thiên nhiên. Không gian trong rừng trúc yên bình, cảm giác như đang đưa con người vào những khu rừng huyền bí trong thế giới cổ trang.
DU LỊCH TRONG RỪNG TRÚC MOSO
Có nên trồng cây Trúc đại (tre Moso) ở Việt Nam hay không?
Ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta có nhiều loài trúc mọc tản phân bố, là tiền đề sinh thái để trồng cây trúc Moso. Trúc sào ở Cao Bằng được dùng làm cần câu, gậy trượt tuyết xuất khẩu, làm chiếu, mành, rèm... là những mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, tuy phẩm chất và giá trị không thể bằng trúc Moso.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau mà diện tích trồng trúc ở nước ta và các sản phẩm công nghiệp, thực phẩm của trúc moso chưa phát triển được như mong muốn, trong khi tiểm năng còn rất lớn. Ngoài những tỉnh có diện tích trúc bản địa lớn: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... đặc biệt là vùng Tây Bắc có nhiều địa điểm có thể trồng trúc Moso. Việc trồng trúc Moso với quy mô lớn là định hướng phát triển kinh tế có nhiều triển vọng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN