KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY TRE NGỌT THÁI LAN BONGWAN
Cây Tre Ngọt Thái Lan (tre Bongwan) là loại tre chuyên dùng lấy măng. Măng tre Ngọt Thái Lan không đắng, không he, ăn sống rất ngọt mà ngay cả người bị gout cũng ăn được măng. Loại măng tre này được xếp ở phân khúc cao cấp trong số các loại măng tre làm thực phẩm. Bài viết dưới đây chúng tôi hướng dẫn Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Tre ngọt Thái Lan đạt hiệu quả cao nhất.
Điều kiện trồng cây Tre Ngọt Thái Lan (tre Bongwan):
+ Khí hậu: Cây Tre Ngọt Thái Lan sinh trưởng trong điều kiện nhiệt độ trung bình năm từ 15 - 35 độ C, lượng mưa từ 1000 - 1800mm/năm.
+ Đất trồng: đất trồng cây tre Ngọt Thái Lan có tầng dày 0,5m trở lên, tốt nhất là đất giàu mùn, thoát nước tốt. Có thể trồng cây trên đất phù sa, đất thịt nhẹ đến trung bình, lẫn ít đá tảng.
Chọn giống cây cây Tre Ngọt Thái Lan:
Giống cây Tre Ngọt Thái Lan được ươm trong bầu nilon 3 - 4 tháng tuổi, cây giống có chiều cao 40 - 60cm, đường kính thân 2cm trở lên. Cây có bộ rễ khỏe, không bị sâu bệnh, dịch hại. Có thể tách gốc giống trực tiếp từ cây mẹ để đưa đi trồng nhưng tỉ lệ sống không cao.
GIỐNG CÂY TRE NGỌT THÁI LAN (TRE BONGWAN)
Thời vụ, phương thức và mật độ trồng cây Tre Ngọt Thái Lan (tre Bongwan):
+ Thời vụ trồng: Thời vụ trồng miền Bắc từ tháng 2 - 3, miền Nam tháng 4 - 5. Nên trồng những ngày trời râm mát hoặc có mưa nhỏ, trồng vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Phương thức trồng: trồng thâm canh hoặc xen canh.
+ Mật độ trồng: Khoảng cách trồng 2 x 4m thì mật độ 1250 cây/ha. Đào hố trồng 0,4 x 0,4 x 0,4m, bón lót phân chuồng 8 - 10 kg + 0,5kg NPK/hố. Trộn đều với đất trước khi trồng cây giống xuống hố từ 7 - 10 ngày.
Kỹ thuật trồng cây Tre Ngọt Thái Lan (tre Bongwan):
+ Xử lí thực bì trước khi trồng: phát dọn sạch thực bì quanh hố trồng, đất có thảm cỏ chỉ cần xới xung quanh và đào hố. Nếu là đất rừng sau khai thác cần phát dọn sạch thực bì, trồng theo đường băng vòng quanh sườn đồi.
+ Đào hố và bón phân: Đào hố trồng 0,4 x 0,4 x 0,4m, bón lót phân chuồng 8 - 10 kg + 0,5kg NPK/hố. Trộn đều với đất trước khi trồng cây giống xuống hố từ 7 - 10 ngày.
+ Trồng cây tre Bongwan: Đặt cây giống vào giữa hố đã đào, lấp đất nhỏ quanh gốc cây và nèn chặt quanh gốc sao cho gốc cây được lấp đất từ 20 - 30cm. Phủ rơm rạ quanh gốc và tưới ẩm cho cây. Nên tận dụng thời tiết mát mẻ có mưa để trồng nhằm đạt tỉ lệ sống cao.
VƯỜN CÂY TRE NGỌT THÁI LAN (BONGWAN)
Kỹ thuật chăm sóc cây Tre Ngọt Thái Lan (tre Bongwan):
+ Làm cỏ: thời vụ làm cỏ vào mùa xuân từ tháng 1 - 2 xới sạch toàn bộ diện tích và mùa hè thu từ tháng 7 - 8, xới cỏ vun gốc. Xới đất, kết hợp vun gốc, bón phân 2 lần/năm.
+ Bón phân: bón phân 2 lần/năm. Lần 1 vào tháng 2 - 3 khi tre chuẩn bị cho măng, bón phân và vun gốc tre để cây có sức ra măng. Lần 2 vào tháng 7 - 8 sau khi thu hoạch măng đầu vụ, bón thêm phân xung quanh gốc, kết hợp với làm cỏ và vun thêm đất để tre có thể ra măng nhiều hơn. Do giống tre ngọt có vụ măng kéo dài nên tre cần rất nhiều dinh dưỡng để đẻ thêm măng. Bón đầy đủ phân thì tre có thể ra măng tới hết tháng 10.
Lượng bón: Lần 1: bón 15 - 20 kg phân chuồng hoai mục, tro trấu + 1,5 - 2 kg phân NPK /gốc. Lần 2: bón 2 - 3 kg NPK gốc.
Cách bón: Dùng cuốc gạt bỏ lớp đất vun quanh gốc từ năm trước, rắc phân chuồng hoai mục + NPK, vun đất vào gốc cao 30 - 40cm. Đối với đất dốc dùng cuốc tạo rãnh hình lưỡi liềm ở phía trên khóm tre theo chiều dốc, sau đó rắc phân và lấp đất trở lại.
+ Tỉa cây: Phát dọn, chặt tỉa cành tiến hành vào tháng 2 - 3, chặt tỉa những cây già từ 4 năm tuổi, để lại mỗi gốc 5 - 7 cây mẹ. Loại bỏ sạch mắt ngủ và cành cây trên thân đến độ cao 2m. Dọn sạch cỏ xung quanh gốc cách khóm 1 - 1,5 m, dùng dao phát xa gốc, vun xới gần gốc.
THU HOẠCH MĂNG TRE NGỌT THÁI LAN
Thu hoạch măng Tre Ngọt Thái Lan:
Khi măng có chiều cao 20 - 30cm thì tiến hành thu hoạch. Dùng dao sắc cắt sát mặt đất và cắt ngang gốc măng, sao cho vết cắt sắc gọn và bằng phẳng. Không nên cắt quá non hoặc quá già, phần dưới gốc măng nên để lại 2 - 3 mắt để cây có thể ra măng tiếp từ gốc măng. Thời gian thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát để không làm ảnh hưởng đến chất lượng của măng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN